Ở phần 3 này mình sẽ kể lại về 2 case study điển hình trên hành trình vượt ‘sướng’ của nepo baby và cách họ định hình được bản sắc riêng của mình.
Nếu bạn chưa đọc 2 phần trước, thì hãy ngưng lại một chút và ấn vào link của phần 1 + phần 2 để có cái nhìn toàn diện hơn về chủ đề chúng mình đang bàn luận này nhé.
Link: https://yenlytran.com/sinh-ra-o-vach-dich-thi-co-can-chay-nua-khong-phan-2/
4.1 Lee Boo Jin – con gái cố chủ tịch tập đoàn Samsung
Lee Boo Jin là con gái thứ hai của cố chủ tịch Samsung, một trong 3 cô con gái được ông yêu quý nhất. Cô luôn được mệnh danh là “người phụ nữ số 1 Hàn Quốc” và đứng thứ 87 trong top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Để có được vị trí lãnh đạo quyền lực và được công nhận như ngày hôm nay, Lee Boo Jin đã được dạy bảo và rèn luyện theo cách khác hẳn bất kì đứa trẻ ‘ngậm thìa vàng’ nào khác.
Sau khi tốt nghiệp đại học tại trường danh tiếng của Mỹ, cô trở lại Hàn Quốc năm 25 tuổi và bắt đầu làm việc tại tập đoàn gia đình, Samsung. Tuy nhiên, thay vì ngay lập tức đưa con vào một vị trí cấp cao để nối nghiệp, chủ tịch Samsung lại để Boo Jin bắt đầu với vị trí thực tập sinh tại một chi nhánh con quy mô rất nhỏ của Samsung và không để đến ai biết đến danh phận của cô. Đây như một bài test của bố để cô để leo những bước thang đầu tiên bằng chính đôi chân của mình.
Như bao sinh viên mới ra trường khác, cô bắt đầu cuộc sống 9-to-5, khởi đầu bằng những công việc lặt vặt như pha cà phê cho quản lý, photo tài liệu hay giấy tờ văn phòng. Sau 5 năm, khi chủ tịch SamSung (bố của Boo Jin) đã đánh giá con gái mình có thể tự sức leo lên đến vị trí quản lý cao hơn, ông quyết định tổ chức cuộc họp và chính thức ra mắt người con gái của mình với toàn bộ tập đoàn. Cô bắt đầu cùng bố tham gia các buổi họp cao cấp, đưa ra quyết định quan trọng của công ty, và trở thành một trong những nữ doanh nhân được săn đón nhất thời kì ấy.
Năm 2001, Boo Jin đã được bầu cử để quản lý khách sạn Shillla, một trong những khách sạn của Samsung nhưng chưa phát triển lúc bấy giờ. Một cách quyết đoán và táo bạo, Boo Jin đã thực hiện một cuộc thanh lọc toàn bộ nhân sự có xu hướng nghỉ việc âm thầm (quiet quitting) ở mọi bộ phận, thay thế họ bằng những nhân tài thế hệ trẻ. Cô bắt đầu chuyển hướng khách hàng mục tiêu, nhắm đến đối tượng thương gia cao cấp và định vị khách sạn như một nơi để tổ chức đám cưới cho giới nhà giàu. Với tư duy kinh doanh cùng khả năng lãnh đạo nhạy bén, Boo Jin đã đưa Shilla trở thành top những khách sạn danh tiếng tại Hàn Quốc mà nhiều người mơ ước được đặt chân tới.
Boo Jin cũng nhận được sự yêu mến nhờ cách cô đối nhân xử thế với mọi người xung quanh. Tờ báo Joong Ang Ilbo kể lại việc cô từng nổi tiếng tặng phòng trong khách sạn Shilla cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn lớn ở Ulsan vào tháng 10 năm 2020.
Case study về Lee Boo Jin càng trở nên được biệt, bởi những gì cô đạt được không chỉ vượt qua mặc định về con nhà tài phiệt, mà còn gỡ bỏ danh giới về những nữ lãnh đạo tại Châu Á. Trong nhiều trường hợp tương tự, con gái của các chủ tịch tập đoàn lớn tại Hàn Quốc thường không được kì vọng trong việc tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh gia đình. Họ thường sẽ kết hôn với người có cùng gia thế và cống hiến cho tập đoàn nhà chồng. Sự thành công của Boo Jin đến từ cơ hội được thực tập với danh phận một người bình thường, từ những thử thách khi lăn lộn vào làm những điều nhỏ nhất, từ thế giới quan được xây dựng qua những người khác mình. Để giờ đây, cô có thể phá vỡ định kiến và khẳng định được mình là một lãnh đạo tài năng, chứ không chỉ là cái mác ‘con gái chủ tịch tập đoàn Sam Sung’.
4.2 Alexandre Arnault – con trai tập đoàn LVMH
Cậu là con trai của Bernard Arnault, tỷ phú người Pháp lớn thứ 3 thế giới và chủ tịch tập đoàn LVMH – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng hiệu và thời trang. Hành trình thành công của Alexandre Arnault, đặc biệt là với vai trò CEO của hãng vali cao cấp Rimowa và giờ là CEO của Tiffany & Co là một câu chuyện ấn tượng.
Năm 2016, Alexandre đã được bổ nhiệm làm CEO của Rimowa, một thương hiệu vali lâu đời có trụ sở tại Đức và vừa được tập đoàn LVMH mua lại. Đọc đến đây mọi người sẽ mặc định rằng, chắc hẳn bố mẹ đã bỏ ra số tiền tỷ cùng các mối quan hệ danh tiếng để mua lại cho anh vị trí này. Nhưng sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Gia đình Rimowa mới là người đã đích thân tuyên bố rằng ông chỉ sẽ bán công ty cho gia đình LVMH nếu chính Alexandre trở thành CEO tiếp theo của công ty. Điều gì đã khiến một anh chàng 24 tuổi được lựa chọn và săn đón đến thế?
“Nothing was granted, everything is always earned’ (Không có gì là sẵn có, mọi thứ đều đến từ sự tự kiếm) là tư duy mà bố của anh đã định hình sẵn cho đứa con trong nhà từ khi còn nhỏ. Vậy nên, nhiều năm từ khi ra trường, anh không được ngay lập tức kế nghiệp bố mình, mà phải làm việc ở nhiều vị trí của các công ty khác nhau. Alexandre làm tư vấn chiến lược tại môi trường khắc nghiệp của McKinsey, và sau đó là công ty cổ phần đầu tư KRR tại New York. ****Quá trình làm việc này như giúp Alexandre định hình tư duy và chất riêng của bản thân.
Dưới sự lãnh đạo của Alexandre, Rimowa đã trải qua một quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ. Anh đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ và sáng tạo vào sản phẩm, đồng thời tạo dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ thông qua các chiến dịch tiếp thị sáng tạo. Alexandre cũng đã mở rộng thị trường của Rimowa, đặc biệt là tại Trung Quốc và Hoa Kỳ, và mở các cửa hàng mới trên toàn cầu. Alexandre Arnault đã đưa Rimowa trở thành một trong những thương hiệu vali hàng đầu thế giới.
Đây là một câu chuyện của nepo baby đã thành công xây dựng được khả năng và bản ngã cá nhân nhờ tư duy ‘không gì là sẵn có’, cùng cơ hội được thực tập với danh phận một người bình thường, và thế giới quan được xây dựng qua những người khác mình.
5. Vậy sinh ra ở vạch đích có cần chạy nữa không?
Có thể những vấn đề trên mình đều phân tích dưới góc độ của các bạn trẻ nepo baby. Nhưng nếu dừng lại và để ý kĩ một chút, mình nghĩ đây cũng là vấn đề của mình, của bạn, của tất cả chúng ta (những người không phải nepo baby) ở trong bất kì giai đoạn nào của hành trình phát triển bản thân.
Có một câu quote của Spider Man mình hay nhắc nhở các bạn học viên “Great power comes with great responsibility” (Tạm dịch: sức mạnh lớn đi kèm trách nghiệm lớn). Bởi quá trình hình thành sự tự tin, khả năng giao tiếp xã hội và trách nghiệm với bản thân của các bạn nepo thường không được ở trong sự riêng tư, mà bị rơi vào ‘spotlight’ khi sinh ra trong một vị trí đặc biệt, từ đó có nhiều áp lực hơn người bình thường (điều này ít ai biết).
Do vậy mọi sự mặc định của chúng ta về nepo baby có lẽ cần được xem xét lại. Thay vì mặc định về họ “như vậy”, hãy thử cảm thông hơn với câu hỏi “tại sao” họ trở thành như vậy. Việc gỡ bỏ sự mặc định này không chỉ dành cho nepo baby, mà còn dành cho bất kể “nhóm” người nào. Bởi, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh’ và những người chúng ta gặp gỡ đều đang có những khía cạnh, câu chuyện, trải nghiệm riêng mà chúng ta chưa có cơ hội hiểu hết.
Qua bài viết này mình cũng mong đây là một sự tỉnh thức cho bố mẹ về cách nuôi dưỡng và định hướng cho con. Một trong những tác giả yêu thích David Brooks của mình đã nói trong sách “The Road to Character ”Character, the willingness to accept responsibility for one’s own life, is the source from which self-respect springs.” (tạm dịch: Tính cách, sẵn lòng chấp nhận trách nhiệm với cuộc sống của mình, là nguồn gốc của sự tự trọng). Như cách bố mẹ cũng từng vấp ngã và hình thành sự bền bỉ qua những chiêm nghiệm về thăng trầm của mình, các bạn trẻ cũng nên được trao cơ hội để thất bại, có trách nghiệm với bản thân và những mối quan hệ xung quanh. Từ đó, các bạn mới có thể có định hướng, quan điểm riêng và định hình bản thân lớn hơn cái mác ‘con của chủ tịch’.
Và cuối cùng, đây cũng là câu chuyện cho tất cả chúng ta, những người không phải nepo baby. Sinh ra từ vạch đích không có nghĩa là sinh ra cùng sự tự tin, lòng trắc ẩn hay bản ngã cá nhân. Chúng không phải là những đặc điểm được đánh giá là có hay không có ở một cá nhân, mà là những kĩ năng mà ai trong chúng ta cũng phải xây dựng và phát triển mỗi ngày. Hơn nữa, vạch đích mà chúng ta nói tới ở tiêu đề thực chất chẳng phải điểm chung như ở cuộc đua marathon. Với nhiều người, vạch đích có thể là sự xa xỉ cùng những hiện vật lấp lánh, nhưng với những cá nhân khác đó lại là sự thấu hiểu bản thân và lòng tự tin để vượt qua mọi thử thách. Với cách nhìn nhận này, thay vì so sánh và phê phán, chúng ta nên tập trung vào việc tìm hiểu và tôn trọng những nỗ lực và khó khăn mà mỗi người đang trải qua.
Sinh ra ở vạch đích có cần chạy không? Câu trả lời của mình là có. Tất cả chúng ta đều cần chạy, cần ngã, cần đứng dậy.
Bởi bản chất, những thứ bạn đạt được ở vạch đích không quan trọng bằng con người bạn đã chở thành trong quá trình đến vạch đích đó.