yenlytran

ĐĂNG KÝ THAM GIA KHÓA HỌC THÁNG 5: THE GLOBAL YOU MINI 3 "NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC"

ĐĂNG KÝ THAM GIA KHÓA HỌC THÁNG 5: THE GLOBAL YOU MINI 3 "NGHỆ THUẬT THUYẾT PHỤC"

Sinh ra ở vạch đích thì có cần chạy nữa không? – Phần 2

Tiếp nối phần trước, khi mình đã chia sẻ 2 trong 4 khía cạnh mà các bạn nepo baby thường gặp phải, dựa trên những quan sát mình may mắn có được trong quá trình kết nối và đồng hành. Nếu chưa đọc phần 1, thì hãy dừng lại và ấn vào link này trước khi đọc phần 2 nhé!

Link: https://yenlytran.com/sinh-ra-o-vach-dich-thi-co-can-chay-nua-khong-phan-1/

2.3. Sự khó khăn trong giao tiếp xã hội

Với điều kiện gia đình khá giả, cùng nhiều đặc quyền được sở hữu, các bạn không may mang cho mình những ác cảm và định kiến về việc mọi người chỉ quan tâm đến họ vì lợi ích cá nhân. Có rất nhiều sự e ngại được thể hiện qua câu hỏi như: ‘Người này muốn làm quen với tôi vì tôi thú vị hay vì tôi có nhiều tiền, nhiều cơ hội tiếp cận, nhiều danh tiếng?’.

Đó cũng là 1 trong những lý do vì sao các bạn trẻ nepo baby thường chỉ chơi thành một nhóm nhỏ cùng nhau, với cùng điều kiện và gia cảnh gia đình như nhau. Tuy nhiên, thế giới được tạo dựng nên bởi sự đa dạng của văn hoá, nhân tính và bản thể. Việc ở trong một vùng an toàn với những người giống mình vô tình khiến các bạn trẻ nepo bị tách biệt ra khỏi một cuộc sống rộng lớn, bỏ lỡ mất cơ hội tiếp cận với sự khác biệt và muôn màu. Thực chất, một trong những khía cạnh của kĩ năng xã hội tốt và giao tiếp thông minh là khả năng kết nối với nhiều cá nhân khác nhau, nhưng đồng thời vẫn có cho mình những danh giới, quan điểm nhất định để không dễ dàng bị lợi dụng hay lấn át.

Ở khía cạnh kinh doanh, sự khó khăn trong giao tiếp xã hội đặc biệt ảnh hưởng đến cách bạn trẻ lãnh đạo và quản lý nhân sự. Do luôn mang cho mình sự đề phòng và xa cách trong giao tiếp, nên các bạn khó đồng cảm với những gì mà nhân viên gặp phải trong công việc nói chung, hay cuộc sống nhân viên nói riêng, hoặc tệ hơn là coi chúng là những vấn đề nhỏ không đáng để tâm (như việc nhân viên cần tan làm sớm để đón con, dọn dẹp nhà cửa vì không có sự hỗ trợ của giúp việc). Từ đó, người lãnh đạo có thể sẽ đưa ra những quyết định thiếu tính công bằng và nhạy cảm.

Ví dụ, một bạn trẻ tên X mình từng làm việc cùng đã được đảm nhiệm một vị trí cao trong công ty xuất nhập khẩu của gia đình từ khi vừa tốt nghiệp đại học. Với vị trí lãnh đạo này, X có quyền quyết định việc tuyển dụng và quản lý nhân sự. Tuy nhiên, với sự ngần ngại kết nối và ít khi tương tác với người khác mình, bạn X thường xa cách với những nhân viên của công ty, gây ra sự cô đơn và khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và sự hỗ trợ giữa các thành viên trong tổ chức. Cụ thể như, bạn từng khó hoà nhập và luôn thấy bối rối với hoạt động rất đơn giản như ngồi ăn trưa cùng đồng nghiệp tại công ty.

2.4 Tâm lý ‘sẵn’ và sự thiếu trách nghiệm

Sinh ra trong điều kiện gia đình giàu có, tâm lý ‘sẵn’ vô thức là một mặt trái của các bạn nepo baby dễ bị ảnh hưởng. Thay vì phải trải qua nỗ lực hay khó khăn để đạt được thứ mình muốn như là những chuyến đi du lịch xa hoa, những bữa ăn uống sang trọng hay những trang phục phụ kiện đồ hiệu, của các bạn đều luôn được đáp ứng một cách dễ dàng bởi “phong cách sống” và đặc quyền của gia đình.

Một lần nữa mình muốn khẳng định rằng những điều này không sai, và việc ‘được sinh ra trong gia đình có điều kiện’ chưa từng là lỗi của các bạn trẻ. Tuy nhiên khi quá “sẵn” với những nhiệm vụ hàng ngày, vì trong nhà luôn có người làm thay nên các bạn trẻ nepo thường ít khi được rèn luyện những kĩ năng cơ bản mà quan trọng như chăm sóc không gian cá nhân, quản lý tài chính, làm chủ thời gian.

Một trong những lý do Nghi thức được gọi là bộ môn ‘học ăn học nói, học gói học mở’, vì trong lớp mình vẫn luôn nói “The way you do one thing, is the way you do everything” (tạm dịch: cách bạn làm một việc cũng là cách bạn làm mọi việc). Sự chu đáo và có trách nhiệm trong từng nhiệm vụ nhỏ cũng sẽ thể hiện với sụ chu đáo trong ứng xử. Những hoạt động đơn giản như nấu ăn xong tự dọn dẹp, tự rửa bát không những sẽ hướng dẫn cho các bạn về một quy trình làm việc chỉn chu có đầu và có đuôi, mà còn là bài học về phạm vi công việc của bản thân, ý thức luôn làm hết trách nghiệm của mình.

Bị ảnh hưởng bởi tâm lý ‘sẵn’ và đặc quyền khi có sự đỡ đầu, hỗ trợ từ gia đình và người thân, nên khi gặp phải khó khăn hoặc thách thức, các bạn trẻ dễ có xu hướng không chịu trách nhiệm, mà dựa vào người khác để giải quyết vấn đề. Phản xạ “đổ tội cho ngoại cảnh” và “trốn tránh vấn đề” cũng được hình thành từ đây. Có thể lấy một ví dụ rất nhỏ để minh hoạ cho sự thiếu chu đáo và trách nghiệm trong ứng xử.

Khi bạn đến muộn buổi hẹn 5 phút hay 50 phút, thì nghi thức đúng bạn cần làm là nhắn tin xin lỗi người hẹn và thông báo rằng mình sẽ đến muộn vì có lý do cá nhân. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ mà mình từng gặp lại có xu hướng không tôn trọng thời gian của đối phương, có suy nghĩ mặc định như: “Họ cũng chỉ ngồi chờ thôi mà, mình không báo cáo cũng chẳng ảnh hưởng gì đâu.” Đây là tác hại của tâm lý “sẵn”, cùng tư duy “thời gian của mình quan trọng, còn của người khác thì dư sẵn”.

Vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn khi các bạn trẻ vừa ra trường và có cơ hội được làm việc ngay trong công ty của gia đình. Với sự nuông chiều và đặc quyền tồn tại trong môi trường quen thuộc, các bạn trẻ có thể thiếu cảm giác cần phải cố gắng và không biết đánh giá đúng giá trị của sự đồng lòng và cống hiến. Các bạn dễ cảm thấy không thoải mái khi phải làm việc vượt qua giới hạn của mình hay nản chí khi phải đối mặt với những tình huống mới. Từ đó, dẫn đến sự mất cân đối trong quan hệ công việc và ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp.

Vậy rốt cuộc tất cả những vấn đề mình phân tích ở 2 phần trước thể hiện điều gì, và có những bằng chứng ‘sống’ nào về các bạn trẻ nepo baby được nuôi dạy một cách đúng đắn và trở nên thành công? Các bạn hãy theo dõi phần tiếp cuối của series nhé!

IMG_2470

Trần Yênly

Về tác giả

Trần Yênly là một chuyên gia Nghi thức quốc tế và giao tiếp liên văn hoá được chứng nhận tại Anh Quốc. Chị là người sáng lập Etík Academy – Học viện Nghi thức quốc tế đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2016. Khi khái niệm “công dân toàn cầu” đang được chú trọng hơn bao giờ hết, chị Yênly tin rằng Nghi thức và Cung cách ứng xử có vai trò quan trọng trong đa dạng khía cạnh của cuộc sống.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top