Theo một báo cáo của PwC năm 2019, doanh nghiệp gia đình chiếm 90% trên thị trường kinh doanh của Việt Nam, và 95% của toàn Châu Á. Thế hệ nối tiếp thế hệ, doanh nhân ngày càng nhiều, những hậu duệ của họ cũng ngày càng được phát triển trong hoàn cảnh đủ đầy, và hẳn là nhiều đặc quyền hơn.
Các cụm từ ‘Con ông cháu cha’, ‘ngậm thìa vàng’, ‘sinh ra từ vạch đích’, hay trong tiếng anh còn có thuật ngữ ‘Nepo baby’ cũng từ đó mà ra đời. Cụm từ ‘Nepo baby’ là phiên bản rút gọn của cụm ‘Nepotism’. Nó mang nghĩa là việc uỷ thác cho người thân/bạn bè một lợi thế, đặc quyền hoặc vị trí trong một ngành nghề/lĩnh vực. Các lĩnh vực này có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở: kinh doanh, chính trị, học thuật, giải trí, thể thao.
‘Cái hưởng’ của ‘con ông cháu cha’ nepo baby thì chắc không cần đề cập thêm, nhưng liệu chúng ta đã có cái nhìn toàn diện về mặt trái của ‘cái hưởng’ đó trên hành trình phát triển bản thân của những bạn trẻ này chưa?
Mình đã may mắn ở vai trò của một người mentor với các bạn F1, hỗ trợ những bạn trẻ về kỹ năng sống/mềm qua bộ môn Nghi thức & Giao tiếp. Mình quyết định viết bài này không phải để chỉ trích hoàn cảnh hay tính cách của cá nhân nào, mà đơn thuần muốn chia sẻ về những câu chuyện và vấn đề mình có cơ hội tiếp cận. Như lý giải về những khó khăn mà xã hội tưởng như ..”người giàu” không có hay gặp phải, hay những định kiến về những rich kid hay nepo baby mà mọi người thường vô thức gắn mác.
Giàu và giỏi – 2 phạm trù khác biệt
Quá trình trưởng thành của các bạn nepo baby thường luôn được tiếp xúc với một môi trường giàu có và nhiều nguồn tài nguyên để phát triển. Họ thậm chí còn được đưa vào công ty gia đình từ nhỏ để sớm làm quen với trách nghiệm thừa kế.
Tuy nhiên, được tiếp xúc sớm với lãnh đạo hay theo học tại các trường đại học danh tiếng không ngay lập tức đảm bảo rằng họ sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tương lai thành công. Bạn hiểu biết về chuyên môn không có nghĩa là bạn có khả năng truyền cảm hứng về chuyên môn đó. Bạn ở những cấp bậc cao không có nghĩa bạn có khả năng quản trị nhân lực. Đó là những phạm trù khác nhau mà các bạn nepo baby chưa đủ khả năng để phân biệt, hay cả những người ngoài như chúng ta) thường bị nhầm lẫn và đánh đồng.
Mình rất hiểu và thông cảm với điều này vì rõ ràng để phát triển toàn diện, chúng ta cần IQ (năng lực trí tuệ), EQ (năng lực cảm xúc) và còn cả SQ (năng lực xã hội). Hầu hết trong hệ thống giáo dục truyền thống chúng ta được rèn luyện về IQ, nhưng để có được EQ & SQ các bạn sẽ chỉ có thể được trao dồi và học hỏi qua trải nhiệm. Khó khăn lớn nhất của các phụ huynh mình tiếp xúc đó là luôn có mong muốn rèn luyện con cái được trở thành những cá nhân nổi bật như họ, trong tương lai sẽ thành công như họ, … nhưng với điểm xuất phát, điều kiện khác và nhiều đặc quyền hơn.
Cũng đứng trên cương vị một người làm mẹ, mình hiểu tại sao bố mẹ thường khuyến khích chọn một lối đi ổn định và được chính mình trải sẵn hơn là một con đường đầy rủi ro. Khi mình khuyên bố mẹ hãy cùng thử nhìn lại những ngày đầu tiên trên hành trình xây dựng sự nghiệp, chẳng phải họ cũng đã từng thử, từng vấp ngã và tự bản thân rút ra nhiều chiêm nghiệm thì mới có thể bền vững đứng dậy và có được thành công như ngày hôm nay hay sao. Và nếu không được định hướng, và có lối tư duy đúng đắn về cách tận dụng những đặc quyền mình đang có, thì các bạn sẽ chẳng may bị đẩy vào chính những mặt trái của nó
2.1 Thiếu tự tin và thường vô thức ‘núp’ dưới cái bóng của bố mẹ
Có bạn học viên đã từng tâm sự với mình rằng, khi đi networking, hầu hết các đồng nghiệp của bố đều không bao giờ nhớ tên bạn. Họ luôn giới thiệu bạn ý với khách hàng bằng những câu như “đây là con của trai của bố X”. Hành động này tuy nhỏ những cũng khiến các bạn nepo luôn vô thức sống dưới cái bóng của bố mẹ. Nó làm giảm tự tin về khả năng cá nhân và bản sắc của các bạn, làm cho những nepo baby khó tìm ra định hướng và sự độc lập của bản thân.
Một ví dụ khác cũng xảy đến với con trai cả của một gia đình xuất khẩu thực phẩm danh tiếng mà mình từng có cơ hội kết nối. Bạn từng chia sẻ việc gặp khó khăn trong việc tìm ra con đường riêng cho mình. Hiểu rằng sự định hướng của bố mẹ theo con đường sẵn có của gia đình sẽ giúp em dễ dàng hơn trong sự nghiệp, không phải trải qua những khó khăn mà bố mẹ từng vật lộn trải qua. Nhưng điều đó đôi khi biến thành sự áp đặt, khiến bạn chưa từng tự hỏi bản thân và cũng chưa hề khám phá điều mình thích, điều mình thực sự mong muốn, hay về bản ngã mình muốn trở thành. Từ đó, dẫn đến hậu quả khi hỏi về bất cứ ý kiến gì, bạn cũng thường có thái độ bị động, vô tư “thế nào cũng được”, dẫn đến sự thiếu định kiến cá nhân trong nhiều bối cảnh xã hội sau này.
Một trong những nguyên nhân lớn của sự lạc lối trong bản ngã này đến từ việc các bạn nepo baby thường ít được khuyến khích để thử, ví dụ thử kinh doanh nhỏ, thử đi theo nguyện vọng của mình (mặc dù sự thất bại của các bạn cũng sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến ổn định kinh tế của gia đình).
Và kể cả những bạn có điều kiện được thử, nhưng một môi trường thiếu sự đánh đổi và cam kết, thì việc “thử” dự án nào đó chưa bao giờ được coi là công việc nghiêm túc, dẫn đến tiếp cận với mọi vấn đề theo tư duy “nước nổi bèo nổi”. Các bạn có thể trở nên hời hợt, thiếu kiên nhẫn, không biết đối mặt với thất bại, từ đó cũng ít cơ hội để đánh giá và chiêm nghiệm về điểm mạnh/yếu của bản thân.
2.2 Ảo tưởng và mờ mắt khi nghĩ ai cũng có điều kiện như mình
Mình luôn nhắc nhở các bạn học viên của mình rằng, các bạn không nên cảm thấy “ngần ngại” khi được sinh ra ở trong một gia đình đầy điều kiện, nhưng quan trọng là các bạn sẽ “làm gì” với những “điều kiện” đó (e.g Bill gate,Taylor Swift)
Một trong những điểm mù (blind spot/tone deaf) của các bạn nepo baby, đó là sự mờ mắt về chính điều kiện của bản thân. Do lớn lên trong môi trường giàu có, và ít có cơ hội tiếp xúc với sự đa dạng của xã hội, các bạn thường vô thức nghĩ rằng mọi người xung quanh cũng có điều kiện và năng lực tài chính như gia đình mình. Từ đó, gây ra một cái nhìn không cân nhắc về thế giới thực, khiến cho việc hiểu và đồng cảm với những người khác trở nên khó khăn. Việc này ảnh hưởng đến cách các bạn tương tác và kết nối với mọi người xung quanh. Bởi, trong nghi thức và giao tiếp, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn là một trong những chìa khoá giúp bạn lắng nghe và trò chuyện với đối phương một cách sâu sắc hơn, từ đó tạo dựng những mối quan hệ lành mạnh và bền vững.
Bên cạnh đó, sự ảo tưởng và mờ mắt còn khiến các bạn bỏ lỡ cơ hội bày tỏ sự trân trọng với đặc quyền của bản thân và những cố gắng nhỏ nhặt trong cuộc sống. Điều này đôi khi khiến các bạn quên mất rằng để có được một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc, đủ yêu thương như hiện tại cũng là công sức của bố mẹ, và những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt kia cũng là một đặc quyền lớn lao mà nhiều cá nhân vẫn đang vật lộn để có được.
Một trong những bài tập mình thường hướng dẫn các bạn về sự biết ơn đó là thử nhìn bát cơm trước mặt mình với một góc nhìn khác. Bởi có được bát cơm giản dị và đời thường ấy là kết quả của quá trình trồng trọt gặt hái của người nông dân, sự tần tảo của công nhân nhà máy, hay là sự tận tuỵ của người đầu bếp. Đôi khi các bạn nepo baby (và cả chúng ta), những người không đứng ở vai trò của quá trình sản xuất nên thường quên trân trọng những công sức và thời gian lớn lao đó.
Đó là 2 trong 4 khía cạnh mà mình quan sát được trong quá trình kết nối và định hướng cho các bạn. Vậy 2 vấn đề còn lại là gì? Cùng mình tìm câu trả trong phần 2 của chuỗi bài viết về chủ đề này nhé